Bạn có những điều thầm kín không biết chia sẻ cùng ai? Bạn đã
đôi lần thắc mắc về giới tính, về tình yêu, về vấn đề quan hệ tình dục? Đừng lo
lắng, tất cả những thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp trong buổi truyền thông “Tư
vấn sức khỏe sinh sản” do Hội Sinh viên trường tổ chức vào lúc 13 giờ đến 16 giờ
ngày 30/09/2016 tại Hội trường Cát Tường.
Đến tham dự chương trình có sự hiện diện của báo cáo viên Trần Thị Hồng đến từ Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa
gia đình, đồng chí Trần Thị Xuân An - Phó
Chủ tịch Hội Sinh viên trường, đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mành - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường. Ngoài ra, còn có sự tham
gia của các bạn trong Ban Chấp hành Liên chi Hội Sinh viên và hơn 200 bạn sinh viên đến từ các khoa, bộ
môn của Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM.
Mở đầu chương trình là những phút chia sẻ hết sức thú vị từ bạn
Nguyễn Tiến Đạt là MC của chương trình.
Anh đã làm nóng không khí của hội trường bằng những tiếng cười từ việc trình
bày những kinh nghiệm của bản thân về kỹ năng thuyết trình đan xen chủ đề về việc
sống thử. Anh chia sẻ
rất nhiều, nhưng cốt lõi là cách sắp xếp logic khi trình bày. Ở nội dung này xoay
quanh bốn chủ đề lớn: Thứ nhất là thực trạng – nguyên nhân – giải pháp – lợi
ích. Thứ hai là tầm quan trọng – thực hiện như thế nào – những điều cần tránh.
Thứ ba là thuận lợi – khó khăn – phương hướng và cuối cùng là nêu vấn đề -
tranh luận – chứng minh. Ở vấn đề này, chủ đề sống thử đã được các bạn sinh
viên tranh luận hết sức sôi nổi, làm nóng bừng cả hội trường trong những tiếng
cười, những lý do tranh luận rất hay như đồng ý sống thử để trải nghiệm hay
không đồng ý sống thử vì thiệt thòi, chịu dư luận xã hội…Song vấn đề ấy đã được
giải đáp rõ ràng hơn trong phần tiếp theo của chương trình.
Tiếp tục chương trình là những chia
sẻ, chỉ dẫn bổ ích, thú vị của báo cáo viên Trần Thị Hồng về chủ đề tư vấn sức
khỏe sinh sản. Nhằm giúp các bạn sinh viên nắm rõ hơn về vấn đề này chị đã định
nghĩa về sức khỏe sinh sản, khái quát về kinh nguyệt, mộng tinh là gì? Và để
các bạn sinh viên có thể hình dung ra tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản, chị
đã chỉ ra các hàng loạt các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh mào gà,
bệnh hạ cam, giang mai, bệnh mụn rộp (herpes) SD, bệnh lậu,... và nhưng căn bệnh
ấy đã để lại hậu quả hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, để khắc phục những hậu quả
đó chị cũng đề xuất một số biện pháp như
sống thủy chung một vợ một chồng, quan hệ tình dục an toàn, khám và điều trị kịp thời các căn bệnh
nêu trên, khám sức khỏe tiền hôn nhân để phát hiện và ngăn chặn kịp thời tỷ lệ
sinh con mắc bệnh do gen lặn của bố mẹ, được hướng dẫn, chăm sóc, tư vấn sức khỏe
sinh sản. Ngoài ra, một trong những chủ đề chị đưa ra thu hút và làm các bạn
sinh viên hứng thú nhất vấn đề “SỐNG THỬ”. Sống thử là một cụm từ để chỉ những cặp đôi sống
như vợ chồng nhưng chưa làm lễ, cũng chưa đăng ký kết hôn. Về vấn đề này cả chị
Hồng và các bạn đều có nhiều ý kiến, suy nghĩ khác nhau. Tuy nhiên, câu trả lời
thỏa đáng cho vấn đề này không phải là tán thành hay đồng ý việc sống thử mà là
việc các bạn có xác định đi đến hôn nhân hay không? Quan điểm các bạn có chính
chắn hay chưa? Đó mới là yếu tố quyết định chính. Ngoài ra, để đi sâu hơn về vấn
đề sống thử và những hậu quả của nó, chị Hồng cũng đề xuất một số biện pháp
phòng tránh thai và các bệnh do quan hệ tình dục mang lại một cách thiết thực
và hiệu quả. Cụ thể, sử dụng bao cao su (nam, nữ), sử dụng thuốc DMPA, thuốc
Implanon, miếng dán, phim tránh thai, thuốc diệt tinh trùng, thuốc tránh thai,…
song quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người.
Bạn có thể sẽ có những suy nghĩ sai lầm trong cuộc sống hôn
nhân, trong vấn đề nhạy cảm về quan hệ tình dục nhưng trước khi hành động bạn
hãy nghĩ đến hậu quả của nó, nghĩ đến những kiến thức bổ ích trong buổi truyền
thông “Tư vấn sức khỏe sinh sản” hôm nay. Tin chắc rằng những hậu quả từ ý nghĩ
ấy sẽ không xảy ra hoặc xảy ra nhưng hạn chế ít đi. Hãy cũng hành động vì sức
khỏe cộng đồng, sức khỏe sinh sản của bản thân, của mọi người để mang lại cuộc
sống tốt đẹp, an toàn và lành mạnh bạn nhé!
Ban Tuyên giáo Đoàn trường