Căn cứ Hướng dẫn 04-HD/TĐTN-BKT ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Ban Thường vụ Đoàn trường về việc ban hành hướng dẫn thực hiện công trình thanh niên, nhằm thống nhất quy trình xây dựng, thực hiện và công nhận công trình thanh niên tại các Đoàn khoa/bộ môn phù hợp với điều kiện thực tiễn, Ban Thường vụ Đoàn trường ban hành hướng dẫn thực hiện công trình thanh niên, cụ thể như sau:
[vtab] [content icon="check-square" title=" Cơ bản"]1. Khái niệm:
  • Công trình thanh niên là sản phẩm, đồng thời là phương thức hoạt động của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhằm tạo môi trường phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, qua đó giúp đoàn viên, thanh niên rèn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công trình thanh niên là sản phẩm cụ thể, định lượng được; do tổ chức Đoàn, đoàn viên, thanh niên thực hiện và được Đoàn cấp trên trực tiếp quyết định công nhận.
  • Công trình thanh niên tiêu biểu là công trình đảm bảo các yêu cầu đối với một công trình thanh niên theo quy định của Hướng dẫn này; đồng thời thực sự tiêu biểu về phương thức tổ chức thực hiện, tính sáng tạo phù hợp thực tiễn và có khả năng nhân rộng. Công trình thanh niên tiêu biểu do Đoàn cấp trên xem xét, công nhận đối với các công trình do cơ sở Đoàn trực thuộc thực hiện.
2. Yêu cầu về công trình thanh niên:
Công trình thanh niên phải đạt được các yêu cầu sau:
  • Được việc: Công trình giải quyết những việc khó, thiết thực trong đời sống và công tác; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao; đóng góp chung cho cộng đồng; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tạo hiệu ứng tốt trong công tác giáo dục của Đoàn.
  • Được người: Tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên, thanh niên rèn luyện, cống hiến; khơi dậy tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết của tuổi trẻ trong việc đóng góp sức lực, trí tuệ cho quá trình phát triển đất nước và thành phố; thể hiện sự sáng tạo, đổi mới, tính xung kích, dám nghĩ, dám làm của đoàn viên, thanh niên trong tham gia thực hiện công trình.
  • Được tổ chức: Thu hút, tập hợp đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, góp phần thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động của tổ chức Đoàn, qua đó nâng cao vị thế của tổ chức tại địa phương, đơn vị; tổ chức được các phong trào thi đua trong triển khai thực hiện công trình; phát hiện nhân tố mới, xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn và tham gia xây dựng Đảng gắn với việc phát triển đoàn viên mới, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp.
3. Phân loại công trình thanh niên:
3.1. Theo cấp bộ Đoàn thực hiện: 
  • Công trình thanh niên cấp trường: do Đoàn trường chủ trì và tổ chức thực hiện.
  • Công trình thanh niên cấp cơ sở: do Đoàn khoa/bộ môn chủ trì và tổ chức thực hiện.
  • Công trình thanh niên của một cấp bộ Đoàn có thể là tổng hợp của nhiều công trình, hạng mục được triển khai tại cấp bộ Đoàn cấp dưới nhưng phải được thống nhất bằng kế hoạch chỉ đạo chung. Công trình thanh niên có thể được tổ chức triển khai ở địa điểm ngoài phạm vi trường.
3.2. Theo tiến độ thời gian thực hiện:
  • Công trình thanh niên của nhiệm kỳ: Là công trình thanh niên được Đại hội hoặc Hội nghị của cấp bộ Đoàn quyết nghị thực hiện trong nhiệm kỳ.
  • Công trình thanh niên theo chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên của năm: Là công trình thanh niên được triển khai thực hiện hằng năm trên cơ sở định hướng theo chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên của Đoàn cấp trên và tình hình, điều kiện thực tiễn của khoa/bộ môn.
* Lưu ý: 
- Các cơ sở Đoàn có thể lựa chọn đăng ký tiếp tục thực hiện công trình thanh niên của năm trước trên cơ sở duy trì và bổ sung thực hiện những nội dung mới nhằm nâng cao giá trị, tính hiệu quả của công trình thanh niên.
- Đối với công trình thanh niên nhiệm kỳ được chia thành các hạng mục theo từng giai đoạn với chỉ tiêu được xác lập cụ thể thì cơ sở Đoàn có thể đăng ký trở thành công trình thanh niên của từng năm để thực hiện và nghiệm thu trong năm.
  • Công trình thanh niên ngắn hạn: Là công trình thanh niên được triển khai thực hiện trong thời gian từ 01 đến 03 tháng vào các đợt hoạt động cao điểm nhằm phát động phong trào thi đua trong đoàn viên, thanh niên, tháng thanh niên hàng năm.
4. Nội dung trọng tâm thực hiện công trình thanh niên: 
  • Công trình thanh niên tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị: Thực hiện các công trình góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại trường; đảm nhận các hạng mục trong các đợt thi đua cao điểm do đơn vị phát động. 
  • Công trình thanh niên nhằm phát huy chuyên môn: Thực hiện các công trình ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ sản xuất; tham gia xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn; phổ cập, bổ túc kiến thức cho thanh thiếu nhi vùng sâu, vùng xa; các công trình góp phần bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, dân tộc; các công trình hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp; tham gia thực hiện an sinh xã hội, chung sức cùng cộng đồng.
  • Công trình thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị: Thực hiện các công trình nhằm xây dựng nếp sống văn minh đô thị như: Xây dựng ý thức văn hóa giao thông, xây dựng khu phố, ấp “An toàn, sạch đẹp, văn minh, nghĩa tình”, các tuyến hẻm, chung cư, ký túc xá “Văn minh, sạch đẹp, an toàn”… hoặc các công trình về khoa học công nghệ để tham gia xây dựng Thành phố thông minh.
  • Công trình thanh niên thực hiện “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Nghĩa tình biên giới, biển đảo”: Hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; tôn tạo các nghĩa trang, đài tưởng niệm, mộ liệt sĩ, các công trình lịch sử, di tích cách mạng; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nơi biên giới, hải đảo; chăm lo người thân, con em của chiến sĩ đang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
  • Công trình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai: Thực hiện các công trình nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu; công trình tái chế, phân loại rác thải; công trình cải tạo, vệ sinh các tuyến kênh, rạch ô nhiễm, khơi thông dòng chảy, xóa các điểm đen ô nhiễm môi trường; công trình thực hiện giải pháp nhằm tiết kiệm điện, nước; công trình trồng và chăm sóc cây xanh, phủ xanh đất trống, xây dựng không gian xanh, mảng xanh nơi ở, làm việc, học tập; các công trình phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra và các tình huống cấp bách xảy ra đối với địa phương, đơn vị.
  • Công trình thanh niên tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội: Thực hiện công trình tham gia đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh niên, sinh viên.
  • Công trình thanh niên xây dựng Đoàn vững mạnh: Đảm nhận, thực hiện các công trình nhằm khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng, vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn như: Công tác quản lý đoàn viên, hội viên; công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên; củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, nâng cao năng lực cán bộ Đoàn các cấp.
Ngoài các nội dung định hướng trên, tùy theo điều kiện đặc thù, các cơ sở Đoàn có thể chủ động xác lập các nội dung khác phù hợp, đảm bảo tính chất và các yêu cầu cần thiết của công trình thanh niên.
[/content] [content icon="check-square" title=" Thẩm quyền"]1. Thẩm quyền công nhận: 
  • Việc công nhận hoàn thành hoặc không hoàn thành công trình thanh niên của Đoàn khoa/bộ môn do Ban Thường vụ Đoàn trường trực tiếp xem xét, quyết định.
  • Việc công nhận công trình thanh niên tiêu biểu của Đoàn trường do Ban Chấp hành Đoàn trường xem xét, quyết định.
2. Tiêu chí công nhận:
  • Đạt yêu cầu tại mục 2, phần Cơ bản.
  • Đảm bảo tiến độ, thời gian thực hiện công trình theo lộ trình kế hoạch xây dựng.
  • Đảm bảo chất lượng, hiệu quả công trình theo đúng hướng kế hoạch đề ra.
  • Số lượng đoàn viên, thanh niên tham gia thực hiện công trình phải chiếm trên 50% tổng số lao động trực tiếp thực hiện công trình.
  • Một số yêu cầu khác (nếu có) do Ban Thường vụ trường quy định trên cơ sở phù hợp điều kiện và đặc thù của khoa/bộ môn.
 [/content] [content icon="check-square" title=" Thực hiện"]
1. Các bước tổ chức thực hiện:
1.1. Bước 1: Nghiên cứu xác lập công trình và xây dựng kế hoạch thực hiện
  • Trên tình hình thực tế của khoa/bộ môn trong năm, các Đoàn khoa/bộ môn nghiên cứu khả năng thực hiện và các điều kiện đảm bảo để thực hiện công trình.
  • Tổ chức họp Ban Chấp hành Đoàn khoa/bộ môn để thảo luận và thống nhất nội dung thực hiện công trình thanh niên.
  • Ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện. Kế hoạch phải rõ mục tiêu, giải pháp, tiến độ, đơn vị tham gia thực hiện công trình.
* Lưu ý:
  • Phân công các cá nhân, bộ phận chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu để xây dựng kế hoạch một cách cụ thể, sát với tình hình thực tế. 
  • Ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện.
1.2. Bước 2: Đăng ký và triển khai thực hiện công trình thanh niên
  • Đoàn khoa/bộ môn phải có văn bản đăng ký triển khai thực hiện công trình thanh niên với Chi bộ/Ban Chủ nhiệm khoa/bộ môn và Đoàn trường, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đạt mục đích, yêu cầu, tiến độ đề ra.
  • Đoàn khoa/bộ môn xác lập thực hiện ít nhất 01 công trình thanh niên trong năm và gửi hồ sơ đăng ký thực hiện về Ban Thường vụ Đoàn trường (thông qua Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường) theo mục 1, phần Quy trình.
* Lưu ý:
  • Quá thời hạn đăng ký, các Đoàn khoa/bộ môn nào chưa gửi hoặc gửi trễ mà không có lý do chính đáng thì không được xem xét, đánh giá điểm về công trình thanh niên vào cuối năm.
  • Đối với các công trình phát sinh từ yêu cầu thực tiễn hoặc từ sự chỉ đạo của Chi bộ/Ban Chủ nhiệm khoa/bộ môn thì các Đoàn khoa/bộ môn thực hiện hồ sơ báo cáo Ban Thường vụ Đoàn trường xem xét, cho phép đăng ký bổ sung.
1.3. Bước 3: Tổ chức thực hiện
  • Thành lập bộ máy điều hành: Phân công cán bộ phụ trách theo dõi, giám sát công trình.
  • Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết như vật tư, kinh phí, phương tiện, thiết bị và cơ chế thực hiện.
  • Phát động phong trào thi đua, vận động đoàn viên, sinh viên đăng ký thực hiện công trình.
  • Xây dựng tiến độ và có hình thức động viên, khen thưởng đoàn viên, sinh viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
  • Theo dõi, đánh giá tiến độ thực hiện theo kế hoạch.
  • Đánh giá, nhân rộng các kinh nghiệm, mô hình, giải pháp tốt.
1.4. Bước 4: Tổ chức nghiệm thu, bàn giao và công nhận kết quả
  • Sau khi hoàn thành, Đoàn khoa/bộ môn báo cáo Chi bộ/Ban Chủ nhiệm khoa/bộ môn và Đoàn trường kết quả thực hiện công trình và đề nghị nghiệm thu, đánh giá, công nhận hoàn thành.
  • Sau khi công nhận hoàn thành, Đoàn khoa/bộ môn tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất khen thưởng và bàn giao, phân phối nguồn lợi từ công trình cho các tổ chức, cá nhân liên quan (nếu có).
  • Trong vòng 10 ngày kể từ ngày ra quyết định công nhận công trình thanh niên, Đoàn khoa/bộ môn hoàn tất hồ sơ báo cáo về Ban Thường vụ Đoàn trường (qua Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường) để tổng hợp, kiểm tra, giám sát theo mục 2, phần Quy trình.
2. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện công trình thanh niên:
  • Kiểm tra, giám sát quá trình xác lập công trình: Lý do thực hiện công trình; tính khách quan, dân chủ trong thống nhất lựa chọn và thực hiện công trình; tính sát thực, khả thi trong xây dựng kế hoạch thực hiện.
  • Giám sát việc đăng ký thực hiện công trình: Đúng quy định về thời gian và biểu mẫu.
  • Kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện: Kiểm tra, giám sát phương thức tổ chức thực hiện công trình, phân công nhiệm vụ khi thực hiện công trình.
  • Kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức nghiệm thu, công nhận và tổng kết bàn giao: Đánh giá chất lượng công trình; xác định hiệu quả của công trình; nhận xét, đánh giá của Chi bộ/Ban Chủ nhiệm khoa/bộ môn; công tác bàn giao, khai thác sử dụng và quản lý công trình.
[/content] [content icon="check-square" title=" Quy trình"]
1. Đăng ký thực hiện công trình thanh niên
1.1. Quy trình:
  • Đoàn khoa/bộ môn gửi văn bản đăng ký thực hiện công trình thanh niên về Đoàn trường (thông qua Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường). Thời hạn gửi hồ sơ:
+ Đối với công trình theo năm học: Chậm nhất ngày 10/10 hằng năm.
+ Đối với công trình trong tháng thanh niên: Chậm nhất ngày 10/3 hằng năm.
  • Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường tổng hợp, chuyển hồ sơ và lấy ý kiến của đồng chí Thường trực Đoàn trường phụ trách.
  • Trên cơ sở ý kiến của đồng chí Thường trực Đoàn trường phụ trách, Đoàn khoa/bộ môn triển khai thực hiện công trình thanh niên. Trường hợp, đồng chí Thường trực Đoàn trường phụ trách không đồng ý đối với công trình thanh niên do Đoàn khoa/bộ môn đăng ký thì phải điều chỉnh và thực hiện lại hồ sơ.
1.2. Hồ sơ: 
  • Đối với công trình thanh niên hằng năm: Gửi trực tiếp công văn đăng ký thực hiện công trình thanh niên - Mau.01 (có xác nhận của Chi bộ/Ban Chủ nhiệm khoa/bộ môn). Trong đó xác lập các chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể đối với từng công trình.
  • Đối với công trình thanh niên của nhiệm kỳ (đã được Đại hội hoặc Hội nghị của Đoàn thông qua): Gửi trực tiếp Kế hoạch thực hiện đối với từng công trình thanh niên. Trong đó xác lập các chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể đối với từng công trình.
2. Công nhận hoàn thành công trình thanh niên:

2.1. Quy trình

  • Đoàn khoa/bộ môn gửi hồ sơ đề nghị công nhận công trình thanh niên về Ban Thường vụ Đoàn trường (thông qua Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường). Thời gian gửi hồ sơ theo mục 1, phần Quy trình.
  • Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường tổng hợp, chuyển hồ sơ và lấy ý kiến của đồng chí Thường trực Đoàn trường phụ trách đối với kết quả thực hiện từng công trình thanh niên. 
  • Trường hợp Đoàn khoa/bộ môn có công trình thanh niên đạt hiệu quả cao, mang tính sáng tạo và có khả năng nhân rộng về phương thức, nội dung thực hiện thì đồng chí Thường trực Đoàn trường phụ trách đề xuất Ban Thường vụ Đoàn trường xem xét, công nhận tiêu biểu (thông qua Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường).
  • Trên cơ sở ý kiến của đồng chí Thường trực Đoàn trường, Ban Kiểm tra Đoàn trường tổng hợp, báo cáo Thường trực và Ban Thường vụ Đoàn trường xem xét, quyết định.
2.2. Hồ sơ:
  • Đối với công trình thanh niên hằng năm, ngắn hạn: 
+ Gửi trực tiếp: Công văn đề nghị công nhận hoàn thành công trình thanh niên - Mau.02 (có xác nhận của Chi bộ/Ban Chủ nhiệm khoa/bộ môn).
+ Gửi trực tuyến qua thư điện tử doantruong.kiemtra@hcmuaf.edu.vn gồm: Báo cáo kết quả triển khai và tổ chức thực hiện công trình thanh niên - Mau.03 và tư liệu minh chứng cho từng công trình được đề xuất công nhận (hình ảnh, video, tin, bài viết...).
  • Đối với công trình thanh niên của nhiệm kỳ: Thực hiện theo Thông báo của Ban Thường vụ Đoàn trường.
* Lưu ý: Trong quá trình thực hiện, trường hợp do điều kiện khách quan nên công trình không thể triển khai thực hiện theo tiến độ hoặc nội dung đã đăng ký thì Đoàn khoa/bộ môn phải có văn bản báo cáo (có xác nhận của Chi bộ/Ban Chủ nhiệm khoa/bộ môn) gửi Ban Thường vụ Đoàn trường (thông qua Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường) để xem xét, giải quyết trước thời hạn nghiệm thu theo quy định trên. Sau thời gian quy định, các đơn vị nào chưa gửi hoặc gửi trễ mà không có lý do chính đáng thì Ban Thường vụ Đoàn trường sẽ không công nhận hoàn thành công trình thanh niên.
 [/content] [content icon="check-square" title=" Thực hiện"]
1. Đối với cấp trường:
  • Các đồng chí Thường trực Đoàn trường phụ trách cơ sở có trách nhiệm định hướng nội dung thực hiện công trình thanh niên của đơn vị được phân công phụ trách ngay từ đầu năm; đồng thời theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ quá trình thực hiện và có ý kiến cụ thể đối với kết quả thực hiện công trình thanh niên của cơ sở.
  • Phân công Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường là bộ phận thường trực phối hợp với các Ban - Văn phòng Đoàn trường triển khai, kiểm tra, giám sát và tham mưu Ban Thường vụ Đoàn trường đối với công tác chỉ đạo việc thực hiện công trình thanh niên tại Đoàn khoa/bộ môn; tham mưu việc đánh giá, xếp loại cuối năm đối với Đoàn khoa/bộ môn không hoàn thành công trình thanh niên.
2. Đối với Đoàn khoa/bộ môn:
  • Đoàn khoa/bộ môn tiến hành đăng ký, triển khai và báo cáo kết quả thực hiện công trình thanh niên của đơn vị hằng năm đảm bảo đúng quy trình và tiến độ thời gian quy định.
  • Trong quá trình tổ chức thực hiện công trình thanh niên, Đoàn khoa/bộ môn duy trì việc thông tin, báo cáo và gửi thư mời Thường trực Đoàn trường, Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường tham dự, kịp thời ghi nhận kết quả thực hiện của đơn vị.
3. Hiệu lực áp dụng: Hướng dẫn này áp dụng đối với tất cả Đoàn khoa/bộ môn kể từ năm 2019.
[/content] [/vtab]
Trên đây là Hướng dẫn của Ban Thường vụ Đoàn trường về việc thực hiện công trình thanh niên; đề nghị các đơn vị, cá nhân có liên quan triển khai đảm bảo theo yêu cầu.

Ủy ban Kiểm tra Đoàn trường

BAN BIÊN TẬP - NLO

{picture#https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEietiTltDtP3M7xlipnUfhtDmAqUqpU9XDJEXGy7UU342_W5xqUbSAcvUjFH8PdnjSV1TeFqOqZXqPvxZkC37c1BZp86jdieq3SsExKr1Gq_FVc1l5V6Oc7Dx60Ssm1XR4ES0S_7E83X4o/s320/logon.png} Ban Biên tập Công thông tin Tuổi trẻ Nông Lâm TP.HCM xin cảm ơn sự quan tâm của đồng chí đến những thông tin hoạt động của đoàn viên, hội viên, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. {facebook#https://www.facebook.com/tuoitrenonglamtphcm} {twitter#https://www.twitter.com/dongchihau} {instagram#https://www.instagram.com/ngoconghau}
Được tạo bởi Blogger.