“Ôi quang cảnh ở đây nhìn giống Đà Lạt ghê! Thích thật!’’ đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về trường Nông Lâm khi vào trường làm thủ tục nhập học. Thú thật thì lúc đầu đăng ký vào trường là do tôi đam mê ngành thú y, quê tôi cũng có trường đại học dạy về ngành này nhưng nghe theo sự khích lệ của thầy giáo dạy Văn năm cấp 3 và Dượng Tony nên tôi quyết định sẽ học đại học ở một thành phố khác để mong có thể trui rèn cho bản thân tính tự lập, thoát khỏi cái vỏ bọc của gia đình cũng như vùng an toàn của bản thân. Thế là tôi bèn lên mạng tra cứu xem trường đại học nào dạy ngành thú y uy tính và lâu đời nhất ở thành phố Hồ Chí Minh. Và… tèn ten, thế là tôi đã có mặt tại trường!
Nhớ biết bao buổi đầu bỡ ngỡ khi bước vào trường Nông Lâm. Cái cảm giác đó mỗi lần hồi tưởng lại lòng tôi lại cảm thấy bồi hồi, khó tả. Khi ấy, lần đầu tiên bước vào trường đập vào mắt tôi là trường thật sự rất lớn, các giảng đường cách nhau cả con đường. Không khí nơi đây lại khá trong lành và mát mẻ vì trường có trồng rất nhiều cây xanh, dọc hai bên đường nơi nào cũng có, có chỗ còn có cả một khu rừng nhỏ trong trường. Tôi cứ có cảm giác trường như một Đà Lạt thu nhỏ vậy. Thích thú là vậy nhưng cùng với đó là sự bỡ ngỡ, lo lắng do trường lớn như vậy tôi không biết nơi mình sẽ làm thủ tục nhập học ở đâu, rồi kiếm trọ ra sao, các tuyến xe bus sẽ tới những nơi nào,… biết bao câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu tôi. Thật may vào lúc nhờ có sự chào đón và giúp đỡ chu đáo từ các anh chị tình nguyện viên của trường mà mọi chuyện đâu vào đấy, từ việc làm giấy tờ nhập học đến việc kiếm trọ, các anh chị còn truyền lại cho tôi cả “bí kíp sống sót trên xe bus” nữa và hàng trăm những chuyện cần lưu ý khác. Dưới cái nắng oi bức của mùa hè, các anh chị vẫn luôn tay luôn chân, vui vẻ, ân cần giúp tân sinh viên chúng tôi thu xếp mọi việc làm cho cảm giác lạ lẫm và đầy lo âu trong tôi vơi đi phần nào.
Rồi chúng tôi còn được tham dự buổi giới thiệu về chương trình học do trường tổ chức để sinh viên hiểu được mình sẽ học được gì trong những năm tới và từ đó xác định mục tiêu, lập ra những kế hoạch riêng cho bản thân. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh thầy trưởng khoa giới thiệu về ngành thú y cũng như chào đón những tân sinh viên chúng tôi – những đứa học sinh ngô nghê vừa mới được thăng cấp lên thành sinh viên sau khi đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách khốc liệt từ Kì thi THPT Quốc gia để có thể có mặt tại trường ngày hôm nay. Thầy nói về chương trình học ở trường sẽ được phân bố ra sao cũng như vai trò của ngành bác sĩ thú y. Mọi người đừng tưởng cứ học thú y là chỉ mỗi việc đi chích heo hay chích bò nhé! Có rất nhiều việc trong xã hội cần có chúng tôi từ việc quản lí nông trại, quản lí an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch tể đến việc chữa bệnh cho chó mèo hay cả việc chăm sóc các động vật hoang dã trong sở thú nữa đấy! Oách chưa nào?! Sau khi được thầy tư vấn tôi cảm thấy rất tự hào vì đã chọn cho mình được một ngành học đầy ý nghĩa. Và tôi tự tin hơn về tương lai phía trước của mình cũng như tự nhủ với bản thân sẽ cố gắng học thật vững các kiến thức được dạy ở trường và áp dụng chúng vào thực tiễn một cách hiệu quả để giúp ích cho công việc của mình sau này cũng như cho xã hội.
Học ở trường được vài tháng đầu, tôi cũng dần làm quen được nhiều bạn mới, tôi thường nghe mọi người bảo với nhau rằng những người bạn đại học không thể thân như bạn cấp ba, bảo thầy cô đại học không quan tâm nhiều đến sinh viên. Nhưng định kiến đó đã bị phá vỡ hoàn toàn khi tôi học Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh: bạn bè nơi đây ai cũng thân thiện, giúp đỡ nhau trong việc học cũng như trong cuộc sống. Chính họ là những người đã giúp tôi vượt qua được nỗi nhớ nhà và cái cảm giác cô đơn, lạc lõng giữa chốn Sài Gòn phồn hoa này, giúp tôi vươn ra xa hơn khỏi vùng an toàn của bản thân để khám phá biết bao điều mới mẻ xung quanh. Còn thầy cô thì luôn ân cần giảng dạy, truyền đạt cho chúng tôi kiến thức từ chuyên ngành cho đến cách sống, cách làm người. Nhờ thầy cô mà não tôi như có thêm được nhiều ‘’nếp nhăn’’ hơn, thầy cô dạy chúng tôi cách quan sát mọi thứ diễn ra xung quanh và luôn đặt câu hỏi tại sao, cơ chế của chúng thế nào chứ không phải cứ mặc định và gắn mác cho điều đó như một lẽ hiển nhiên bởi “Mọi chuyện trong cuộc sống này xảy ra đều có nguyên do của nó.’’, thầy cô còn dạy chúng tôi biết cách lập luận, tranh biện, cũng như xem xét mọi thứ theo góc nhìn đa chiều. Đồng thời thầy cô luôn quan tâm, giúp đỡ cũng như tư vấn nghề nghiệp cho chúng tôi, động viên chúng tôi mỗi khi chúng tôi cảm thấy hoang mang, mất phương hương trên con đường tương lai phía trước. Đôi lúc thầy cô còn chia sẻ về những năm tháng đại học của mình, khích lệ chúng tôi cố gắng nhiều hơn bởi thầy cô tin sinh viên trường Nông Lâm rất bản lĩnh và giỏi giang, không thua kém gì những trường khác.
Thật cảm ơn Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, nơi là cầu nối cho những con người từ khắp nơi trên Tổ quốc được gặp nhau và cùng nhau trải qua khoảng thời gian thanh xuân tươi đẹp nhất của đời người: cùng nhau vượt qua những lần báo cáo, làm bài tập với lịch deadline dày đặc, những lần đi thực tập “đội nắng dầm mưa’’, những ngày ôn thi cuối kì đầu tắt mặt tối…; nơi tạo cơ hội cho những người trẻ theo đuổi giấc mơ của mình qua các học bổng, các cuộc thi từ tài năng cho tới học thuật, những chuyến đi thực tế hay thực tập ở các nước bạn như Thái Lan, Hàn Quốc, Mã Lai, Israel… Đây cũng là nơi chứng kiến sự trưởng thành trong chúng tôi trên con đường ‘’tập làm người lớn’’ qua từng ngày.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, giờ đây tôi đã là sinh viên năm 4 của trường. Bốn năm là một khoảng thời gian không dài đối với một cuộc đời con người nhưng cũng đủ để tôi cùng mái trường này viết lên biết bao kỷ niệm đẹp và xem nơi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình.
“Ngày xưa khi đất nước vẫn còn trong khói lửa
Trường tôi trong gian khó vẫn không hề lùi bước
Từng người cất bước ra đi, người vui bước lên đường
Xây dựng quê hương, ra đi từ mái trường
Ngày nay đất nước tôi đang đổi thay từng ngày
Trường tôi luôn đổi mới tiến bước theo nhịp bước
Từng người vững bước đi lên
Từng người con nơi ấy tiếp bước ra đi vững bền
Nông Lâm trường bao yêu dấu
Đã bao thế hệ bước ra từ đây…”
(Trích trong ca khúc Tình khúc Nông Lâm của Nguyễn Văn Thông - Cựu sinh viên Quản trị kinh doanh khóa 29)
Trải qua chặng đường 65 năm xây dựng và đổi mới, dù cho hình ảnh ngôi trường có đổi thay thì trường vẫn luôn mang trong mình một sứ mệnh vẹn nguyên như thuở ban đầu là đào tạo ra nguồn nhân lực tri thức trẻ giúp ích cho nước nhà. Thật tự hào khi là sinh viên trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh – nơi tôi được sống những ngày tháng rực rỡ nhất của thời sinh viên và theo đuổi đam mê của mình bằng tất cả lòng nhiệt huyết và sức trẻ!
Nguyễn Khánh Bảo Trân - DH17TT