Ai đó từng nói, thời sinh viên là khoảng thời gian tươi đẹp nhất của đời người. Bởi lẽ ở cái tuổi 18, 20, chúng tôi đã đủ trưởng thành để tự mình khám phá thế giới, nhưng vẫn chưa bị gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai, ít nhất là vẫn còn có thể mang danh nghĩa là sinh viên, việc học còn dang dở, để được hưởng chút ưu đãi, khi làm sai việc gì cũng được xí xóa bớt vì tuổi còn non trẻ. Giống như hạt giống vừa nảy mầm, chúng tôi vẫn còn xa lạ với thế giới người trưởng thành, nhưng rất mạnh mẽ mà vươn lên không ngừng, từ một mầm non mỏng manh mà từng chút, từng chút một lớn lên. Sự che chở, bảo bọc từ gia đình cũng dần dần giảm đi, thay vào đó, chúng tôi, những chồi xanh háo hức vì mới được trỗi dậy từ lòng đất, luôn khao khát được làm chủ cuộc sống của mình, muốn thể hiện cái đặc biệt của bản thân, và bằng sự dũng cảm có phần ngây ngô, chúng tôi muốn thay đổi thế giới. Thế nhưng, phải chăng vì chưa thực sự lãnh nhận trách nhiệm của một “người trưởng thành thực thụ”, đó là đi làm, kiếm tiền, thì thời sinh viên tươi trẻ thật yên bình, thật thảnh thơi biết bao so với những khoảng đời tiếp theo?
Thực sự thì tôi cũng không thể có câu trả lời thỏa đáng cho ý nghĩ này, có người sẽ cho là đúng – đời sinh viên an nhàn quá, chỉ có ăn, rồi học, rảnh rỗi thì đi phượt, thích gì thì làm nấy, chẳng cần lo lắng trước sau là bao. Nhưng chắc chắn vẫn sẽ có những người không mặn mà gì mấy với kỉ niệm thời thanh xuân này của mình, cho rằng quá áp lực, vì phải chuẩn bị kĩ càng cho tương lai, nhưng rồi mọi thứ đi lệch lộ trình đã vạch ra, chật vật xoay sở mãi mới thấy lối ra, thật sự không có can đảm để quay đầu nhìn lại. Song với tôi, đời người là một hành trình tiếp diễn theo chiều hướng đi lên, và bất kì đoạn đường nào cũng có những thử thách tưởng chừng như cực hạn, áp lực cuộc sống của một sinh viên so với áp lực cuộc sống của một người nhân viên chính thức đều có tác động tương tự nhau, chỉ là do khả năng giải quyết vấn của một nhân viên chính thức là ưu việt hơn so với “phiên bản thời sinh viên” của mình, vì vậy người đó cần một “cuộc chơi” lớn hơn, nhưng lại có người tự đánh giá thấp bản thân mình, và vô tình tạo áp lực cho chính mình rằng cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Dù sao đi nữa, những năm tháng tuổi đôi mươi này là một “hành trình kỳ diệu” mà khi quay đầu nhìn lại hay hướng đến tương lai phía trước, tôi đều thầm cảm tạ tất cả những điều tuyệt vời mà cuộc sống đã dành riêng cho mình, cả những nụ cười nhẹ tênh, cả những giọt nước mắt nặng trĩu.
Tháng 8 năm 2017, tôi là tân sinh viên lớp Thú y Tiên tiến, trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh. Trong câu chuyện của mọi người, việc tôi đỗ vào trường là một điều gần như đơn giản, rằng tôi thật may mắn, mọi chuyện đến với tôi thật êm đềm và suông sẻ. Vốn dĩ, tôi ít khi nào chia sẻ suy nghĩ của mình với bất cứ ai, cả bạn bè, hay gia đình, tôi đều trông thật bí ẩn và vô tư. Nhưng với người duy nhất biết rõ mọi chuyện, đó là tôi, thì để trở thành cô tân sinh viên năm ấy, đã có vô số cuộc chiến diễn ra bên trong tôi, và vì tôi cứ trốn chạy khỏi chúng mãi, khi thì muốn cố gắng, khi thì lại buông xuôi mặc kệ, nên khi bất chợt nhận ra, thì tôi đã len lỏi bằng cách nào đó mà đến được tận ngôi trường ở cách xa quê hương hàng trăm cây số này. Ban đầu, tôi quyết tâm hoàn thiện bản thân, muốn tự tay xây dựng cho bản thân cuộc sống mà mình hằng mơ ước. Một thế giới rộng lớn bao la mở ra trước mắt tôi, bao nhiều điều mới lạ, một ngôi trường rộng lớn mênh mông, ấy thế mà Sài Gòn lại còn to khủng khiếp hơn biết bao lần. Tôi cứ thế mà mơ màng và thờ ơ với mọi việc diễn ra xung quanh mình, cảm thấy “học Đại học cũng nhàn”…Cho đến một ngày, tôi ngồi vào bàn học, cố ngốn hết mớ bài vở dở dang trước khi đến giờ thi cuối kì một, năm thứ ba đại học, tôi mới toát mồ hôi lạnh. “Tôi đang làm gì thế này?”, “tôi có thích việc mình đang làm không?”, “tôi không thể tập trung được”, những ý nghĩ tiêu cực ấy cứ hiện lên trong tôi, và nhìn lại hai năm đại học trôi qua, dường như tôi chẳng học được gì cả. Và bằng “khả năng sinh tồn” kì lạ của mình, một kì thi lại trôi qua trót lọt. Song, vấn đề là lần nào chuẩn bị sang học kì mới, tôi cũng dặn lòng phải học tốt hơn nữa, thế nhưng lần nào đến giai đoạn thi cuối kì, tôi cũng điên tiết với bản thân vì phải nhồi nhét bài vở vô thưởng vô phạt, và xóa sạch mọi kiến thức ngay sau khi bước ra khỏi phòng thi. Sự thật là sỉ số lớp tôi cứ vơi dần từng chút một, tôi thì thầm nghĩ việc thôi học là một viễn cảnh không bao giờ xảy ra với mình, dù tôi cũng không biết liệu mình có thực sự hoàn thành việc học hay không, cuộc sống mà, có ai biết trước được tương lai…
Và rồi biến số không một ai ngờ được cũng xảy ra, đại dịch COVID-19 ập đến và nhốt mọi người lại sau cánh cửa nhà, ngoại trừ các đơn vị chuyên môn, còn lại, tất cả “hưởng ứng phong trào toàn dân ở yên trong nhà”. Thành thật mà nói, tôi là người được hưởng lợi rất nhiều ngay trong thời đại nguy cấp này. Thử nghĩ mà xem, còn gì tuyệt vời hơn một kì nghỉ dài miên man đối với một đứa, thứ nhất, không thích ra ngoài, thứ hai, luôn cần một lí do để tránh ra ngoài, và thứ ba, quan trọng nhất, đang thực sự cần một khoảng thời gian tạm dừng tất cả để suy xét tận cùng cái mớ suy nghĩ hỗn độn chất đống trong đầu, rằng “tôi là ai?”, “tôi có thực sự nên trở thành một bác sĩ thú y không?”. Kì thực lúc ấy, tôi rùng mình nhận ra rằng sự học của tôi, cái công trình mà tôi đang xây ấy, chông chênh, khập khiễn và dị hợm đến ngỡ ngàng. Lâm vào khủng khoảng tâm lí, tôi cảm giác như mình sắp bị nuốt chứng bởi cái hố đen mà mình đã cố trốn chạy từ thời còn là học sinh trung học. Thế nhưng nhờ vào một câu nói mà tôi đã nghe ra rả từ thời nảo thời nao, đó là “không thay đổi quá trình, kết quả làm sao mà đổi khác?”, tôi quyết định lần này, tôi không trốn chạy nữa, mà sẽ đứng yên đối mặt, tôi chán việc sợ hãi trước một thứ vô hình như thế này lắm rồi, tôi muốn biết thực sự nó có thể tồi tệ đến mức nào.
Khi tin tức về dịch bệnh ngày một nghiêm trọng, đã có lúc tôi cho rằng có khi mình sẽ chẳng bao giờ học tiếp được, dù xác suất xảy ra việc này vẫn thấp. Nhưng mà, nếu như không học tiếp, liệu mình sẽ sống hạnh phúc chứ? Nếu không trở thành bác sĩ thú y, thì mình sẽ trở thành ai đây? Tôi không biết… Để rồi một ngày, câu trả lời được đặt thẳng vào mắt tôi: câu chuyện của vận động viên Hanyu Yuzuru, huyền thoại sống của làng trượt băng nghệ thuật thế giới, hai lần liên tiếp huy đoạt chương vàng Olympic Mùa Đông, cùng vô số huy chương vàng các giải đấu khắp thế giới. Anh là niềm tự hào của Nhật Bản, một đất nước tuyệt vời mà tôi cũng rất yêu thích. Tôi chỉ tình cờ xem một bài trình diễn của anh trên mạng xã hội, và nhanh chóng trở thành một người hâm mộ cuồng nhiệt bởi tính nghệ sĩ hòa cùng với tinh thần thể thao vừa mạnh mẽ, vừa quyết liệt của anh. Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ thảm họa sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản, sự kiện đã để lại nỗi ám ảnh về sức mạnh của thiên nhiên, và về sự mất mác chẳng bao giờ thay thế được trong tâm trí con người. Và Hanyu Yuzuru là một nhân chứng, nói chính xác là một nạn nhân sống sót qua thảm kịch đó. Động đất xảy ra giữa lúc anh đang tập luyện trên sân băng tại quê nhà, mọi thứ đổ sầm trước mắt khiến cho cậu học sinh 15 tuổi ấy bất giác hoảng loạn, chỉ biết thét lên “Không được…phải làm sao đây? Tôi không muốn chết!”. May mắn thoát nạn trên đôi giày trượt băng bị hỏng nặng do phải chạy trên mặt đường nhựa sần sùi, anh cùng gia đình phải trải qua nhiều ngày liền trong khu lánh nạn, vừa đói vừa chật, lại không thể chợp mắt vì ám ảnh, sân băng thì bị hỏng nặng, anh chỉ biết nhìn lên trần nhà và suy tư. “Có lẽ mình sẽ không trượt băng nữa”, khi đọc đến câu văn này từ quyển hồi kí của anh, tôi bắt gặp hình ảnh mình cũng đang ngước nhìn lên trần nhà và suy nghĩ: “Có lẽ mình sẽ không học nữa”.
Tuy nhiên, sự thật là cho đến hiện tại, anh ấy không chỉ tiếp tục trượt băng, mà còn là tuyến thủ số 1 thế giới, là Quốc bảo của Nhật Bản, và tất cả đã được định đoạt ngay sau câu nói muốn bỏ cuộc của chính mình. Anh cho rằng bản thân chỉ mới bắt đầu thi đấu được 3 năm thôi, còn quá ngắn để có thể đánh giá rằng mình có thể thành công hay không, vậy thì thử cố gắng hết sức một lần sau cuối, làm mọi cách có thể, rồi nếu không thành công, thì lúc đó từ bỏ cũng không muộn. Anh bắt đầu tham gia các buổi trình diễn trượt băng trên khắp Nhật Bản chỉ để có thể mượn tạm sân băng của buổi diễn để tập luyện, tự biên đạo cho các bài thi của mình, cuối cùng được sang Canada tập luyện nâng cao. Dù gặp phải rào cản ngôn ngữ và cuộc sống tách biệt với quê hương, anh vẫn nỗ lực vươn lên với lòng biết ơn và khát vọng chiến thắng cháy bỏng. Và thành quả thì như đã nói, anh trở thành đại diện cho tinh thần Nhật Bản vượt qua thiên tai, thử thách cực hạn, để tỏa sáng rạng rỡ. Vậy còn tôi thì sao? Tôi cũng chỉ mới học đại học ba năm thôi, cũng còn quá sớm để đánh giá được liệu tôi có thích hợp với nghề này hay không, vậy thì sao không thử cố gắng hết sức một lần, làm mọi cách có thể, rồi kết quả sẽ trả lời tất cả? Có người từng nói: “Muốn thành công như một người nào đó, hãy làm theo những điều họ làm”. Tôi muốn thành công như Hanyu Yuzuru! Và thế là hành trình “tái thiết” bản thân của tôi bắt đầu.
Dịch bệnh lui dần, trường học mở cửa trở lại. Bởi vì đã hạ quyết tâm và quán triệt tư tưởng rõ ràng, tôi hừng hực khí thế chiến đấu. Những điều trước đây hay gây phiền nhiễu đến việc học như mạng xã hội, tâm lí nạn nhân, hay thói lười vận động, tất thảy đều bị tôi tống đi không thương tiếc trong một thời gian ngắn. Từ trước đến nay tôi đều biết rằng những thói xấu đó là nên bỏ đi, nhưng chưa bao giờ lại thành tâm muốn dứt bỏ như bây giờ, và cũng nhờ một vài sự kiện xảy ra, như chứng đau lưng, cận thị ngày một nghiêm trọng, mà tôi nhanh chóng loại thải hết cả ra khỏi cuộc sống của mình trong êm đẹp. Từ dạo ấy, tôi tự tạo ra một khoảng thời gian rộng rãi mênh mông cho việc tập trung học, không cần phải cứ vắt chân lên cổ mà chạy mỗi khi đến kì thi hay hạn nộp bài, thậm chí tôi có thể thư thả mỗi ngày một ít hoàn thiện bài thỏa thuê rồi mới đến deadline. Từ đó mỗi lần đến kì thi, tôi nhập cuộc bằng một thái độ hoàn toàn khác: “Tôi đã học tất cả những gì cần học rồi, tôi chắc chắn sẽ làm được bài”.
Vận động viên Hanyu Yuzuru có một câu nói rất hay: “Sự nỗ lực có thể làm bạn thất vọng, nhưng nó không bao giờ là hoang phí”. Tự tin là thế, nhưng dĩ nhiên tôi không thể tiến bộ thần kì đến mức trong vài tháng mà lấp được khoảng trống của vài năm, nên dù kết quả thực sự chưa đạt yêu cầu bản thân, nhưng đổi với tôi đó đã là một chiến thắng đáng tự hào. Tu sĩ Dangdapani có nói: “Khi bạn dành thời gian để làm điều gì đó, chắc chắn bạn sẽ dần dần trở nên giỏi về vấn đề đó”. Trước đây tôi luôn dành thời gian để ca thán và thụ động, vì vậy theo thời gian, tôi đã trở nên rất giỏi trong việc ca thán và thụ động. Nhưng giờ đây thì khác, tôi dành ngày càng nhiều thời gian để học, đọc sách, tham gia các hoạt động ngoại khóa, dần dần tôi cũng trở nên giỏi trong việc học, đọc sách, và hoạt động ngoại khóa, đó là lẽ dĩ nhiên. Bằng chứng là từ ngày chăm học và đọc hơn, tôi phát hiện được niềm đam mê từ nhỏ của mình dành cho cây cỏ và thảo dược, từ đó tôi quyết định tương lai sau này sẽ đi theo ngành dược thú y. Ngoài ra còn có nhiều đam mê “lành mạnh” khác, bao gồm yoga – bộ môn lôi tôi ra khỏi giường lúc 5 giờ sáng để rèn luyện thân thể; lịch sử - để tôi thỏa lòng khám phá tư duy và lối sống của nhân loại từ cổ chí kim thông qua trang sách; đàn violin – nhạc cụ yêu thích của tôi, tôi cũng đang tự tiết kiệm để có thể học chơi đàn; và triết học – “món đồ chơi” mới của tôi gần đây để tha hồ “xoắn não” với tư tưởng của các bậc hiền triết, từ đó rút ra được lối sống và suy nghĩ phù hợp với bản thân trong hiện tại. Triết gia Epictetus đã chỉ ra rằng “Một số thứ tùy thuộc vào chúng ta, một số thứ khác, thì không”, quả là một câu nói thâm sâu. Cá nhân tôi cho rằng, chú tâm vào những điều bản thân có quyền quyết định là điều tất yếu nên làm và cần làm, còn với những việc nằm ngoài vùng kiểm soát của chúng ta, ví như: liệu nỗ lực của ta có được mọi người công nhận không, liệu ngày mai có điều xui xẻo nào sẽ xảy đến với mình không?, vân vân, là sự phí hoài thời gian và năng lượng nếu ta chú tâm vào. Những thứ thuộc về chúng ta bao gồm những suy nghĩ tích cực, và cả tiêu cực, những lần đưa ra quyết định, lựa chọn về lối sống, cách hành xử, thái độ với mọi sự vật, sự việc. Mỗi lần bắt đầu suy nghĩ theo hướng tiêu cực, tôi đều tự nhủ với bản thân rằng, mình có toàn quyền quyết định chuyện nhìn nhận vấn đề này theo hướng nào, dù thành công hay thất bại, ít nhất tôi cũng đã cố gắng hết khả năng, và học được bài học cho bản thân. Kinh nghiệm thất bại trong vô số kì thi từ nhỏ đến lớn của mình đã dạy tôi rằng, bất kể thắng, hay thua, phần thưởng mặc định của chúng ta luôn là những bài học “xương máu”, mà chỉ khi tôi thực sự tham gia vào quá trình đó thì mới có thể học được. Thay vì phí thời gian cho những suy nghĩ tiêu cực vô hình, thì ta đầu tư quỹ thời gian đó cho những trải nghiệm bổ ích, chẳng phải là một sự đầu tư khôn ngoan hơn nhiều hay sao?
“Có những câu nói phải nghe nhiều lần mới hiều, có những bài học phải học nhiều lần mới nhớ” – còn câu nói này thì là của riêng tôi, một cô sinh viên năm tư vẫn đang trên hành trình chinh phục tri thức, thực chất là chinh phục chính bản thân mình. Lại một danh nhân khác đã từng nói “Mỗi người đến với chúng ta đều có ít nhất một điều mà ta không biết. Đừng để người đó rời đi khi ta chưa học được điều ấy”, trong khi tôi lại được dạy bởi những giảng viên có bề dày kinh nghiệm gấp mấy lần số tuổi của tôi hiện tại, vậy thì phải tranh thủ học càng nhiều càng tốt rồi. Các thầy, cô đánh kính thực sự đã dạy tôi rất nhiều, không chỉ cách chữa bệnh, mà còn là cách sống. Rằng “Never stop” là tinh thần cốt lõi thúc đẩy con người tiến bộ đến ngày hôm nay. Rằng “Tôi muốn mỗi khi các em trình bày một vấn đề gì, thì các em phải hiểu rõ tận cùng điều mình đang nói” – câu nói tưởng chừng như tạo một áp lực không hề nhỏ mỗi lần làm báo cáo, nhưng hãy thử ngẫm lại, đó thực sự là điều chúng ta nên làm và cần phải làm, để thực sự trở thành hình mẫu mà chúng ta luôn theo đuổi, với tôi đó chính là tự tay mình sáng tạo ra cuộc sống mà mình luôn mơ ước.
Xin chân thành cảm ơn quý thầy, quý cô đã luôn nhiệt tâm gắn bó với nghề giáo, luôn bên cạnh để nâng đỡ bao thế hệ sinh viên xây đắp nên nền móng đầu tiên cho công trình xây dựng tương lai mai sau. Xin cảm ơn và chúc mừng Kỉ niệm 65 năm thành lập trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, ngồi trường mà ở đó, tôi vấp ngã, rồi lại mạnh mẽ đứng lên, từ một người “nhìn nhưng không thấy”, tôi đã thực sự được mở mang tầm mắt, và ngày qua ngày, tôi lớn lên thêm từng chút một, hạnh phúc và hãnh diện với chính bản thân mình. Và xin cảm ơn mọi trải nghiệm mà cuộc sống đã dành riêng cho tôi. Đời người là một chuyến phiêu lưu kỳ thú, tuy sẽ có những lúc chúng ta phải đi đường vòng hay thậm chí là gặp phải một khúc cua ngoằn ngoèo, nhưng tùy thuộc vào lựa chọn của bản thân rằng mình sẽ trải nghiệm hành trình đó như thế nào, trốn vào một gốc tối tăm và tự hủy hoại bản thân, hay dũng cảm dang tay chào đón thế giới, mà câu chuyện của mỗi chúng ta sẽ khác nhau. Và, tôi của hiện tại đã không còn sợ hãi về tương lai phía trước, thay vào đó tôi muốn dùng sức trẻ của mình để chinh phục thế giới, như phụng hoàng lửa bay lên từ đống tro tàn, và tôi biết chắc chắn rằng mình sẽ làm được. Có niềm tin vào những thứ không thể tin được mới là niềm tin thực sự. Hi vọng câu chuyện của tôi có thể giúp ích cho ai đó, vào một khoảnh khắc chông chênh nào đó trong đời! Xin mượn lời giáo sư triết học William B. Irvine để kết thúc bài viết: “Trước kia họ có thể thờ ơ với thế giới xung quanh, còn giờ đây họ tỉnh giác trước vẻ đẹp của thế giới”.
Chào mừng kỷ niệm 65 thành lập Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh!
Chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11!
Xin cảm ơn vì đã dành thời gian để đọc bài viết này!
Chúc một ngày tốt lành.
Huỳnh Thảo Nguyên - DH17TT